Tìm hiểu về trống đồng Ngọc Lũ

Tìm hiểu về trống đồng Ngọc Lũ

Ngày đăng: 30/08/2023 03:41 PM

Trống Đồng Ngọc Lũ - với niên đại trên 2.500 năm, được ví như một quyển sách ghi chép lại toàn bộ văn hoá của thời kỳ Đông Sơn. Mới đây sản phẩm cũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Luật Di sản văn hoá. Với những giá trị văn hoá lâu đời và giá trị, Trống Đồng Ngọc Lũ hoàn toàn xứng đáng với vị trí cao quý này;

Xuất xứ của Trống Đồng Ngọc Lũ:

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ, dân tộc ta đã có một loại di vật tiêu biểu đó chính là Trống đồng. Có thể nói đây là sản phẩm của thời kỳ cực thịnh của Nhà nước Văn Lang. Trống đồng Ngọc Lũ có niên đại khoảng 2.500 năm, được xếp vào loại H1 - Heger (theo sự phân loại dựa trên 165 chiếc trống đồng được biết đến thời điểm ấy của học giả F.Héger - người Áo - vào năm 1902), H1 là “loại cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời”. Ngọc Lũ là một trong số không nhiều trống đồng giữ vai trò ấy.

Danh sách những dòng trống cổ nhất của Việt Nam đều ghi nhận hai bảo vật là Trống Đồng Đông Sơn và Trống Đồng Ngọc Lũ. Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện vào dịp nông dân đi đắp đê ở hữu ngạn sông Hồng và tìm thấy. Sản phẩm được cúng vào đình làng Ngọc Lũ, để khi có đình đám cúng tế thì dùng. Nhưng đến năm 1902 nhân cuộc đấu xảo ở Hà Nội, trống được đem ra trưng bày. Viện Viễn Đông Bác cổ bèn xuất 550 đồng bạc Đông Dương mua lại là lưu trữ ở Hà Nội.

Đồ đồng Việt - Đỉnh đồng thờ cúng

Hình dáng và hoa văn của Trống Đồng Ngọc Lũ:

Trong các trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ là trống có hoa văn dày đặc, phong phú nhất và chia làm hai loại: một loại hoa văn cách điệu hình người, động vật, đồ vật và loại kia hoa văn hình kỷ hà (hình học) đa dạng.

Trống có patin màu xanh ngả xám, đường kính mặt 79,3cm, cao 63cm, nặng 86kg, thuộc loại kích thước lớn. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi.

Mặt trống chính giữa đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi, chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công.

Đồ đồng Việt - Đỉnh đồng thờ cúng

Bao quanh ngôi sao là 16 vành hoa văn. Vành 1, 5, 11 và 16: Những hàng chấm nhỏ. Vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14: Những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3: Những hàng chữ ∫ gẫy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16: Văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10: Hình người và động vật đi quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trong đó là các nhóm: Người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong, hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn bay và chim mỏ dài đứng.

Tang trống chính là chiếc hộp cộng hưởng khuếch đại âm thanh. Phần trên có 6 vành hoa văn hình học. Vành 1 và 6: Những đường chấm nhỏ thẳng hàng. Vành 2 và 5: Văn răng cưa. Vành 3 và 4: Hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song. Phần dưới là 6 chiếc thuyền chuyển động từ trái sang phải, chở chiến binh tay cầm vũ khí và tù binh, xen giữa là những hình chim cò ngậm cá, chó săn được thể hiện theo lối cách điệu. Gắn giữa tang và thân trống là hai đôi quai kép đúc nổi hoa văn bông lúa, đối xứng nhau.

Thân trống hình trụ đứng, là bộ phận nắn âm thanh. Phần giữa của thân có những hoa văn hình học chạy song song cắt nhau tạo thành 6 ô hình chữ nhật. Trong ô là các võ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí vừa đi vừa múa. Phần dưới của thân là ba vành hoa văn hình học, giữa là vành văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Hai bên là hai đường chấm nhỏ. Ngoài cùng là hai đường chỉ trơn.

Chân trống nở choãi hình nón cụt là cửa mở để âm thanh của trống thoát ra và tỏa rộng nhanh chóng, không trang trí hoa văn.

Đồ đồng Việt - Đỉnh đồng thờ cúng

Ý nghĩa của Trống Đồng Ngọc Lũ:

Trống đồng Ngọc Lũ tuyệt tác vượt trội trong nhiều mặt: kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, giá trị lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật... hàm chứa nhiều thông tin còn cần được giải mã, còn tốn không ít công sức của các nhà nghiên cứu muốn khám phá, đi sâu. Trống đồng Ngọc Lũ là biểu tượng cường thịnh của nền văn hóa Đông Sơn mà ở đó có đầy đủ yếu tố kỹ thuật đúc đồng, trình độ mỹ thuật và chế tác đồ đồng rất cao mà ngày nay chúng ta vẫn vô cùng thán phục. Trống đồng Ngọc Lũ hay trống đồng Đông Sơn đều là dấu ấn đặc biệt của thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Nghệ thuật âm nhạc và múa:

Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: Nền văn hoá âm nhạc và múa của người Việt cổ đã được phác hoạ thông qua những tư liệu hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.

Minh chứng cho nhận định này thể hiện ở trước hết, trống đồng Ngọc Lũ là một loại nhạc khí "Tự thân vang" diễn tấu độc lập hay tạo tiết tấu cho dàn nhạc, cho ca múa. Bằng tài nghệ, người xưa đã pha trộn hợp kim đúc trống tạo được âm sắc trầm hùng. Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo đã tiến hành thực nghiệm định âm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, tìm ra được thanh âm cổ thời ấy. Chính tâm được nốt Mi, vành hoa văn 1 và 3 được nốt Si giáng, vành hoa văn 4, 5 được nốt Mi, Fa, vành hoa văn 7 được nốt Si giáng. Từ vành hoa văn 9 ra rìa trống lại được nốt Mi. Một thang âm độc đáo, chỉ gồm 3 nốt kết hợp liền bậc và nhảy quãng.

Đồ đồng Việt - Đỉnh đồng thờ cúng

Trống đồng Ngọc Lũ cũng có kết cấu vô cùng đặc biệt. Người xưa có thể sử dụng trống như 1 thùng âm thanh, với mỗi bộ phận lại có chức năng khác nhau. Tang trống phình: cộng hưởng âm thanh; phần hình trụ tròn tức thân trống nắn âm thanh; chân trống loe: tán phát âm thanh vang xa hơn. Qua hình ảnh trên trống còn cho thấy người xưa đào một hố đất rồi đặt trống giữa hố, tạo nên hộp cộng hưởng thứ hai, khiến tiếng trống càng trầm hùng, mạnh mẽ, vang xa hơn nữa. Trống quân của thời Trần cũng được người của thời kỳ đó tạo ra theo cách này.

Hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ cũng có những chi tiết thể hiện nét văn hoá về âm nhạc và nghệ thuật múa của thời kỳ này. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát được hình ảnh khắc hoạ cảnh hòa tấu với nhạc công ngồi cầm dùi đánh trên mặt 4 chiếc trống đồng theo phương thẳng đứng.

Cùng với trống đồng, người Việt cổ còn sử dụng trống da. Hình ảnh trên trống Ngọc Lũ khá rõ, xuất hiện trong hai trường hợp: ở thuyền chiến và ở nhà sàn, có vật nâng đỡ trống. Có thể suy đoán trống da đã được dùng làm hiệu lệnh khi đánh trận và dùng làm nhạc cụ đệm cho ca múa.

Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình ảnh hai nhà cầu mùa treo dàn chiêng đối xứng qua hình mặt trời ở tâm trống. Trong nhà cầu mùa thứ nhất có hình một người một tay xách chiếc chiêng to, tay kia cầm dùi đánh, hai bên là hai dàn chiêng mỗi dàn đều 7 chiếc. Trong nhà cầu mùa thứ hai có một người đứng giữa hai dàn chiêng, hai tay đều cầm dùi đánh vào chiêng, dàn chiêng bên trái có 8 chiếc, dàn chiêng bên phải có 7 chiếc.

Nhấn mạnh cho luận điểm trống đồng Ngọc Lũ tái hiện nền văn hoá âm nhạc và múa của người Việt cổ, các nhà khảo cổ học cũng chỉ ra sự xuất hiện các nhạc cũ gõ khác như chuông, sênh, phách thể hiện trên trống. Đó là hình ảnh một người đang lắc quả chuông trong đoàn người nhảy múa và nhóm người múa tay đều cầm phách hoặc sênh. Nhạc cụ duy nhất thuộc bộ hơi là khèn. Đây là loại khèn bè có từ 4 đến 6 ống thành đoạn riêng không liền với đoạn dưới. Hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ, cùng với âm nhạc còn biểu hiện về nghệ thuật múa khá phong phú, sinh động trong các trạng huống khác nhau chẳng hạn cảnh đoàn người múa với trang phục đẹp, đội mũ lông chim hoặc bông lau.

Đồ đồng Việt - Đỉnh đồng thờ cúng

Đó còn là lối ca múa cặp đôi giao duyên hay hình ảnh trong ngôi nhà sàn mái cong hình thuyền đôi nam nữ ngồi đối diện tay chân giao vào nhau, bên cạnh lại có người đánh trống da giữ nhịp, phải chăng là đang thực hành nghi lễ của tín ngưỡng phồn thực, âm dương giao đãi, cầu mong sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh đó, nét đẹp lao động cũng được khắc học thông qua hình ảnh đôi nam nữ cầm chày giã gạo theo phương thẳng đứng, đầu chày được trang trí. Bên cạnh mỗi đôi giã gạo lại có một người đánh chiêng hoặc gõ sênh phách giữ nhịp cho tiếng chày mà bản thân tiếng chày cũng có tính tiết tấu. Ngoài ra ta cũng quan sát thấy được hình ảnh múa theo nhóm hàng dọc, vừa đi vừa múa trong vòng tròn, hướng chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Trang phục của vũ công là trang phục ngày hội, tay trái cầm đạo cụ, tay phải múa cách điệu. Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cũng gặp hình ảnh múa khèn bè của hai vũ công.

Tổng kết lại có thể khái quát thấy được nghệ thuật âm nhạc, múa của người Việt cổ được tái hiện lại khá sinh động thông qua hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ. Hai loại hình nghệ thuật này luôn có sự gắn bó mật thiết cà được người xưa thể hiện rất phong phú và đa dạng trong nhiều hình thái biểu hiện.

Về âm nhạc, nổi bật là vai trò của bộ gõ, chủ đạo là trống đồng ngoài ra còn có trống da, chuông, chiêng, sênh, phách, khèn bè. Thang âm Mi - Fa - Si giáng đã định hình tạo ra bản sắc âm nhạc. Âm nhạc thời ấy thiên về tiết điệu, tiết tấu. Khi sử dụng nhạc cụ người Việt cổ hay sử dụng cùng lúc nhiều nhạc cụ và đã có sự phối âm, phối khí sơ khai.

Về múa có múa đôi, múa tập thể, đội hình hàng dọc hoặc vòng tròn. Chủ đề múa ta thấy có múa hát giao duyên nam nữ, múa tín ngưỡng, múa sinh hoạt, múa hội hè. Cuối cùng về nguồn gốc có thể nhận định: Nghệ thuật âm nhạc, múa thời đại Hùng Vương đã ra đời và gắn bó chặt chẽ với tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất của con người thời ấy.