Đỉnh đồng từ lâu đã trở thành một hình ảnh đẹp không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên hay trong không gian thờ cúng của người Việt bởi những ý nghĩa sâu sắc, thông điệp mang lại. Đến nay, nét đẹp ấy vẫn gắn liền với phong tục tập quán thờ cúng tâm linh cao quý và độc đáo, đi cùng một số món đồ thờ cúng quen thuộc trên bàn thờ, phổ biến đó là: Bát hương, hạc thờ, đèn thờ,…Nhưng làm sao để lựa chọn đỉnh đồng phù hợp với không gian, bày trí đỉnh đồng thờ cúng ra sao để hợp với phong thủy cũng là vấn đề được quan tâm.
Đỉnh đồng là vật phẩm dùng để trang trí, đặt trong phòng khách hoặc là vật thờ dùng để đốt trầm hương, trưng bày trong phòng thờ, bàn thờ gia tiên, đình chùa, đền miếu… Trước kia đỉnh đồng chỉ được sử dụng tại các phủ vua chúa, quan lại, nhà phú hộ, thương nhân giàu có… mang ý nghĩa biểu tượng gắn liền với sự sang trọng, trong nhà có của ăn của để. Nhưng với những ý nghĩa tâm linh tốt đẹp, ngày nay đỉnh đồng đã trở thành một vật phẩm quan trọng nằm trong bộ đồ đồng thờ cúng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên.
Đỉnh đồng bao gồm 5 phần:
- Đế đỉnh: Có mặt hình tròn, có độ rộng vừa đủ khớp với chân đỉnh, bao quanh là một đường viền nhô hơn so với mặt đế giúp giữ 3 chân lư cố định, mặt đế thường được chạm đúc hoa văn theo thân đỉnh như rồng, hoa sòi, dơi.
- Chân đỉnh: Được đúc gắn liền với bụng đỉnh tạo thành chân vạc giúp cho đỉnh đồng rất vững chắc khi đặt trên đế.
- Thân đỉnh: Được thiết kế phình ra có hình bầu dục cân đối, được chạm khắc hình ảnh song long chầu nguyệt hay dòng chữ Hán “Phúc Lộc Thọ Khang Ninh”.
- Nắp đỉnh: Có hình dạng như chiếc bát tô úp ngược trên đỉnh gắn với tượng con Nghê đúc liền với nắp và được tạo một lỗ nhỏ thông từ miệng Nghê xuống đáy nắp với mục đích nhả khói, mùi thơm khi xông trầm.
- Tai mây: Là phần cui tai hình mây được đúc liền đối xứng hai bên thân đỉnh.
Đỉnh đồng thường được đúc thủ công bằng đồng vàng hoặc đồng đỏ nguyên chất. Trên bề mặt có các hoa văn, họa tiết như rồng phượng, song long chầu nguyệt…được chạm trổ rất cầu kỳ và tinh xảo. Đi kèm với đỉnh đồng thường có đôi hạc và đôi chân nến để tạo thành bộ đỉnh đồng tam sự, đỉnh đồng ngũ sự thờ cúng ấn tượng.
Đỉnh đồng là nơi để đốt trầm, tạo ra mùi hương trầm thơm, bởi theo quan niệm từ xưa thì hương thơm thể hiện lòng thành, sự thanh khiết cao quý và có tác dụng thanh lọc khí rất tốt. Theo ý niệm tâm linh thì khói trầm giúp hoá giải được hung khí tăng thêm cát khí, gia tăng sự hòa thuận, hiếu thảo, sự tăng tiến về trí tuệ tài lộc. Ý nghĩa của việc thờ đỉnh đồng càng quan trọng hơn với những ai hiểu sâu về kiến thức tâm linh, phong thủy.
Đỉnh thờ có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được ông cha ta du nhập và sáng tạo để mang lại những giá trị mới và linh thiêng cao cả phù hợp với lối sống và phong tục của người Việt. Điển hình ở đây là biểu tượng con Nghê. Nếu như theo văn hóa Trung Hoa, trên đỉnh đồng là biểu tượng con Lân, thì đã được cha ông ta sáng tạo thành con Nghê - lấy hình ảnh từ loài chó nhà, con vật trung thành và bảo vệ nhà cửa kết hợp với hình tượng con lân trong tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng được người đời tôn kính và thờ phụng. Chính vì vậy, hình ảnh con Nghê trên đỉnh đồng có ý nghĩa bảo vệ, xua đuổi tà khí, ngăn chặn ma quỷ rất tốt.
Đỉnh đồng thờ cúng là nơi giáng ngự, cầu nối của cõi âm với trần thế, qua đó, con cháu bày tỏ lòng biết ơn, thành kính với tổ tiên, ông cha của mình. Đồng thời cầu mong gia tiên phù hộ độ trì sự may mắn, sự thăng tiến, bình an trong cuộc sống.
Hiện nay, đỉnh đồng thường được làm bằng đồng hoặc bằng sứ. Nhưng đỉnh bằng đồng mang khí dương – là tượng trưng cho trời, nên được nhiều người lựa chọn và thích hợp trong thờ cúng Phật, Thánh, được sử dụng trên bàn thờ gia tiên, từ đường, đình, chùa,... Vì vậy ý nghĩa của việc thờ đỉnh đồng không chỉ là thờ tổ tiên, cha ông mà còn là thờ các đấng tối cao: trời, đất.
Đỉnh đồng thờ cúng thường đi kèm với đôi chân nến và đôi hạc, được đặt trên cùng một hàng ở chính giữa và cao nhất bàn thờ, đặt ngay trước di ảnh hoặc bài vị, ngai thờ. Trên tường phía sau có thể treo bộ hoành phi câu đối.
Gia chủ cũng có thể trưng bày các vật phẩm khác như: đèn thờ, ống hương, lọ hoa, mâm bồng, bát hương.... Nếu thờ ngai chén thì có thể dùng ngai 3 chén hoặc 5 chén, đài thờ dùng 2 đài hoặc 3 đài tuỳ theo diện tích bàn thờ.
Gia chủ cần chú ý đến việc đặt đỉnh đồng sao cho hình tượng con nghê hướng ra phía cửa chính thì mới có tác dụng phong thủy.
Kích thước của đỉnh đồng, bộ đỉnh đồng cũng phụ thuộc vào diện tích bàn thờ. Chẳng hạn như, với bàn thờ dài 1m2 thì nên chọn đỉnh đồng cao 45cm; bàn thờ 1m5, 1m7 thì chọn độ đỉnh thờ cao 50cm, 55cm; bàn thờ cỡ lớn 1m97, 2m17 thì đi liền với bộ đỉnh đồng 60cm, 70cm,...
Người Việt từ xưa tới nay vốn coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống nhất là trong văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng. Ý nghĩa của việc thờ đỉnh đồng càng trở nên quan trọng và ăn sâu vào tiềm thức con người.