Ý nghĩa cúng dường tượng Phật Bồ Tát

Ý nghĩa cúng dường tượng Phật Bồ Tát

Ngày đăng: 31/08/2023 02:43 PM

    Ý NGHĨA CÚNG DƯỜNG TƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

    Chúng ta cúng dường tượng Phật, cúng dường tượng Bồ Tát, dụng ý ở chỗ nào vậy? Mượn những hình tượng này, từng giây từng phút nhắc nhở mình, nhìn thấy tượng Phật thì liền nghĩ đến lời dạy của Phật Bồ Tát. Không nhìn thấy tượng Phật là quên mất rồi. Dụng ý của cúng tượng Phật là ở chỗ này, chứ không phải xem Ngài giống như thần linh, không phải cầu mong Ngài phù hộ thăng quan phát tài, mà dùng Ngài để thường xuyên nhắc nhở mình. Nhắc nhở, điều đầu tiên là đọc Kinh, nhìn thấy tượng Phật thì nghĩ đến phải đọc Kinh.

     

     

    Đọc Kinh chính là nghe Phật Bồ Tát giảng Kinh thuyết pháp, khiến chúng ta hiểu rõ nghĩa lý, là việc nên làm. Những việc nào là nên làm, những việc nào không nên làm, đây gọi là nghĩa. “Lý” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội dung của tất cả Kinh mà Phật nói ra, quy nạp lại là không ngoài hai sự việc này. “Nghĩa” chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, là việc bạn nên làm. “Lý” là minh tâm kiến tánh. Không những mình phải học, mà còn phải giúp đỡ người khác.

     

     

    Làm sao giúp đỡ người khác đây? Làm nên tấm gương cho người ta thấy. Tấm gương gì vậy? “Động chi dĩ thiện ác”, chúng ta phải thể hiện ra. Chúng ta khởi tâm động niệm, người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói việc làm của chúng ta, người ta nhìn thấy. Chúng ta có thể ở trong một đời, miệng không nói lời ác, ở trong một đời có thể làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, ta ngay từ hôm nay, từ sáng đến tối không vọng ngữ, không ác khẩu. Đây là việc rõ ràng dễ thấy.

    Phật dạy người sơ học bắt đầu làm từ "Thập Thiện Nghiệp Đạo". “Quán Kinh” nói “Tam phước”, đưa ra cương lĩnh cho chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng ta muốn hỏi, chúng ta làm sao hiếu thân, làm sao tôn sư? Tu tâm từ, tu thập thiện chính là hiếu dưỡng phụ mẫu, chính là phụng sự sư trưởng. Nếu như ba nghiệp “Thân - Ngữ - Ý” của chúng ta đều bất thiện, đó chính là bất hiếu, chính là bất kính. Chúng ta bắt đầu làm từ đây.

    Quả nhiên thật sự làm được rồi, hàng ngày đều làm như vậy thì người này là người thiện. Người thiện không cần phải có người khác tán thán. Nếu chúng ta hy vọng người khác tán thán, hy vọng người khác biểu dương chúng ta, làm như vậy là đã bất thiện rồi. Tại sao vậy? Dụng ý bất thiện, hành vi là thiện mà tâm bất thiện, tâm địa ô nhiễm, không thanh tịnh. Chẳng cầu gì cả, cần nên làm như vậy. Cách làm này chỉ là giúp đỡ người khác, chỉ là phổ độ chúng sanh, để người ta thấy rồi thì sẽ giác ngộ, “tại sao họ có thể làm được mà ta không làm được?”. Họ thấy lâu rồi thì họ sẽ phản tỉnh.